Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - Những điểm mới nổi bật cần lưu ý

110 lượt xem

Ngày 09/01/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Luật mới ra đời đã khắc phục những hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, nâng cao quyền lợi của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Ngày 30 tháng 12 năm 2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2024. Một số nội dung quan trọng đã được quy định chi tiết.

Sau đây là những điểm mới cần lưu ý:

1. Bổ sung đối tượng được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh

Khoản 2 Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 bổ sung thêm một đối tượng được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh là người khuyết tật đặc biệt nặng. Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày. Bên cạnh đó, Luật mới còn điều chỉnh độ tuổi của người bệnh được hưởng ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh từ đủ 80 tuổi xuống còn đủ 75 tuổi. Cần lưu ý là những đối tượng được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh phải phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cũng được quy định rộng hơn, bổ sung thêm một số đối tượng ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước khám bệnh, chữa bệnh như: người cao tuổi, người khuyết tật, người đang sống ở biên giới, hải đảo, người bị bệnh tâm thần, bệnh phong, bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhóm B.

2. Thêm nhiều quyền của người bệnh

Quyền lợi của người bệnh đã được Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 bổ sung ngày càng hoàn thiện, đầy đủ hơn so với luật cũ. Những quyền lợi mới của người bệnh được ghi nhận là:

  • Được hướng dẫn cách tự chăm sóc, theo dõi, phòng ngừa tai biến.

  • Được tôn trọng về tôn giáo, tình trạng sức khỏe, điều kiện kinh tế.

  • Được giữ bí mật thông tin trong hồ sơ bệnh án và thông tin khác về đời tư đã cung cấp trong quá trình khám, chữa bệnh.

  • Không bị ngược đãi, lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục trong quá trình khám chữa bệnh.

  • Được đọc, xem, sao chụp, ghi chép hồ sơ bệnh án.

  • Được kiến nghị về các tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc… trong quá trinh khám chữa bệnh.

  • Được bồi thường khi có tai biến y khoa trừ trường hợp y, bác sĩ không có sai sót chuyên môn kỹ thuật được Hội đồng chuyên môn xác định.

  • Khi nhận thuốc kê đơn, người bệnh sẽ nhận được đơn thuốc không có thực phẩm chức năng.

3. Người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh lưu động, từ xa

Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động bao gồm:

  • Hoạt động do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp ngoài địa điểm khám bệnh, chữa bệnh ghi trong giấy phép hoạt động (trừ việc khám chữa bệnh tại nhà do nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ tại thôn, bản thực hiện);

  • Khám bệnh, chữa bệnh tại nhà, khám sức khỏe tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (trừ việc khám chữa bệnh tại nhà do nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ tại thôn, bản thực hiện);

  • Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt.

Đặc biệt, để thực hiện khám chữa bệnh lưu động phải được cơ quan chuyên môn y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý, trừ cơ sở khám chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân khám chữa bệnh cho đối tượng thuộc quyền quản lý của mình.

Khám bệnh, chữa bệnh từ xa là hình thức khám bệnh, chữa bệnh không trực tiếp tiếp xúc giữa người hành nghề và người bệnh mà việc khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện thông qua thiết bị, công nghệ thông tin.

Như vậy, khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực thì người bệnh sẽ có thể được khám chữa bệnh lưu động, từ xa. Quy định này tạo điều kiện cho người bệnh thuận tiện trong việc khám chữa bệnh, đặc biệt đối với người bệnh ở những vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, người bệnh bất tiện trong việc di chuyển.

4. Sửa đổi điều kiện để bệnh nhân được chuyển khoa, chuyển viện

Chuyển khoa, chuyển viện là biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh nhưng việc thực hiện phải tuân thủ một số điều kiện nhất định. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định điều kiện để người bệnh để chuyển khoa, chuyển viện như sau:

Trường hợp chuyển khoa:

  • Phát hiện tình trạng bệnh của người bệnh thích hợp khám, chữa bệnh tại chuyên khoa khác hơn.

  • Khoa chuyển người bệnh đi hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, chuyển người bệnh và hồ sơ bệnh án đến khoa mới.

Trường hợp chuyển viện:

  • Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, giới thiệu người bệnh đến viện mới.

  • Theo yêu cầu của người bệnh/người đại diện của người bệnh: Người bệnh/người đại diện người bệnh cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc chuyển viện.

5. Bổ sung khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 có đề cập đến khám bệnh bằng y học cổ truyền khi kết hợp với y học hiện đại trong quá trình khám, chữa bệnh. Trong khi đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã bổ sung Chương VI về việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Tuy không quy định chi tiết mà sẽ được Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn tại một văn bản khác nhưng Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã tạo quy định pháp lý cụ thể về y học cổ truyền.

6. Trường hợp bác sĩ được từ chối, chậm cấp cứu người bệnh

Trước đây, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 cấm bác sĩ từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh. Nhưng, kể từ ngày Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực thì việc bác sĩ từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh sẽ không phải là hành vi bị cấm nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 40, đó là quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định bổ sung 03 trường hợp người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể:

  • Người bệnh và thân nhân xâm phạm thân thể, sức khoẻ, tính mạng của y, bác sĩ khi đang thực hiện nhiệm vụ trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thân/bệnh khác không nhận thức, làm chủ được hành vi;

  • Người bệnh yêu cầu phương pháp khám, chữa bệnh không phù hợp về chuyên môn kỹ thuật;

  • Sau khi đã được tư vấn, vận động, thuyết phục nhưng người đại diện của người bệnh là người chưa thành niên/đã thành niên nhưng bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự/có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nhưng trước đó không có văn bản thể hiện nguyện vọng hợp pháp về việc khám, chữa bệnh quyết định không điều trị theo ý kiến của người đại diện và việc không đồng ý này có nguy cơ gây hại đến sức khoẻ, tính mạng của người bệnh.

7. Sửa quy định về đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề

Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Nhà nước sẽ miễn học phí với người học chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 ra đời đã bổ sung chính sách về cấp học bổng đồng thời sửa đổi quy định về miễn học phí như sau:

(1) Cấp học bổng khuyến khích: Người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện được cấp học bổng.

(2) Cấp học bổng chính sách: Người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu đang làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh vùng đặc biệt khó khăn và khó khăn.

(3) Hỗ trợ người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu:

  • Toàn bộ học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt toàn khoá: Học tại các trường đào tạo khối ngành sức khoẻ của Nhà nước.

  • Hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt toàn khoá tương ứng với mức trên nếu học ở cơ sở đào tạo tư nhân.

Đặc biệt, Nhà nước khuyến khích cấp học bổng, trợ cấp cho người học.

Theo đó, quy định mới đã nêu chi tiết các dạng học bổng tương đương với các loại hình đào tạo của người học các chuyên ngành thuộc khối ngành sức khoẻ mà không phải chỉ quy định chung như trước.

8. Quy định cụ thể đối tượng được điều động khi có dịch bệnh

Trước đây, chế độ, chính sách và quy định cụ thể về việc điều động, huy động người tham gia khám, chữa bệnh khi có thiên tai, thảm họa, dịch truyền nhiễm nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp chưa được nêu rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 115 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã quy định chi tiết về vấn đề quan trọng này như sau:

Đối tượng huy động, điều động bao gồm:

  • Người khám, chữa bệnh gồm cả người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.

  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài được cấp giấy phép hành nghề.

  • Học viên, sinh viên, học sinh đang học tập tại các cơ sở đào tạo ngành sức khoẻ - người thuộc đối tượng được cấp giấy phép hành nghề nhưng chưa được cấp.

Việc huy động, điều động trên phải đáp ứng các điều kiện: phù hợp mức tối đa với trình độ chuyên môn của người được huy động; đảm bảo an toàn cho người bệnh; người được phân công không phải chịu trách nhiệm với các tai biến y khoa nếu không có sai sót chuyên môn kỹ thuật đã được Hội đồng chuyên môn xác nhận trong quá trình khám, chữa bệnh hoặc cấp cứu nhưng thiếu trang thiết bị y tế.

9. Quy định mới về cấp mới giấy phép hành nghề 

  • Các trường hợp được cấp mới giấy phép hành nghề tại khoản 1 Điều 30 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023:

(i) Người lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hành nghề;

(ii) Người hành nghề thay đổi chức danh chuyên môn đã được ghi trên giấy phép hành nghề;

(iii) Người bị thu hồi giấy phép hành nghề thuộc trường hợp cấp mới theo quy định của Chính phủ;

(iv) Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng:

(1) Được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc có giấy phép hành nghề được thừa nhận.

(2) Có đủ sức khỏe để hành nghề.

(3) Đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước.

  • Điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền, gồm: Có giấy chứng nhận lương y hoặc giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền hoặc giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

So với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, luật mới đã quy định cụ thể hơn về cấp mới giấy phép hành nghề cho điều dưỡng khi họ được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và có đủ sức khỏe để hành nghề.

Đồng thời, những đối tượng trên sẽ được tiếp tục gia hạn giấy phép hành nghề đối với trường hợp giấy phép hành nghề hết hạn nếu đáp ứng đủ những điều kiện tương tự khi cấp mới.

10. Trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Đây là điểm mới cần đặc biệt lưu ý vì Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không quy định. Cụ thể, Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:

(1) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.

(2) Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.

(3) Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

(4) Đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

(5) Đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

(6) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Theo đó, có thể thấy các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chủ yếu là những người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đang là bị cáo trong vụ án hình sự hoặc liên quan đến chấp hành một quyết định hay một biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật hình sự.

Trên đây là một số điểm mới cần lưu ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cần cập nhật ngay để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

11. Quy định mới trong cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hành nghề:

Nghị định 96/2023/NĐ-CP cụ thể hoá các nội dung về hướng dẫn thực hành trong khám bệnh, chữa bệnh, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề và đăng ký hành nghề trong khám bệnh, chữa bệnh, hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia trong kiểm tra đánh giá năng lực người hành nghề.

-Thực hành trong khám bệnh, chữa bệnh đã có thay đổi, trong đó rút ngắn thời gian thực hành đối với bác sĩ từ 18 tháng xuống còn 12 tháng, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y rút ngắn thời gian thực hành từ 9-12 tháng xuống còn 6-9 tháng, quy định cụ thể nội dung thực hành.

-Hồ sơ cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề đã được giảm bớt và đơn giản hoá, trong đó, đã bỏ phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ, thay thế lý lịch cá nhân bằng sơ yếu lý lịch tự thuật, không bắt buộc xác nhận của uỷ ban nhân dân cấp xã trong sơ yếu lý lịch.

-Kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề được thực hiện từ 01 tháng 01 năm 2027 đối với bác sĩ, từ 01 tháng 01 năm 2028 đối với y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y. Với 3 chức danh hành nghề mới bao gồm: dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng đã được quy định cụ thể về thực hành, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp phép hành nghề đã được quy định cụ thể để thực hiện cấp giấy phép hành nghề từ 01 tháng 01 năm 2024, tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề từ 01 tháng 01 năm 2029 theo lộ trình của Luật. Trong giai đoạn từ khi Luật có hiệu lực đến thời điểm kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, đối tượng thuộc diện cấp giấy phép hành nghề sẽ được cấp phép mà không phải qua kiểm tra đánh giá năng lực. Người hành nghề đã được cấp chứng chỉ hành nghề trước đây không phải kiểm tra đánh giá năng lực theo quy định của Luật.

12. Cấp giấy phép hoạt động và quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Một số hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được bổ sung, điều chỉnh, trong đó có một số loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới như: phòng khám bác sĩ y khoa, phòng khám y sỹ, phòng khám liên chuyên khoa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, cơ sở kính thuốc có thực hiện đo kiểm tra tật khúc xạ, cơ sở lọc máu…

Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đã có sự điều chỉnh, tháo gỡ một số khó khăn và đồng thời giải quyết nhu cầu và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính.

- Khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, khám bệnh, chữa bệnh lưu động đã được quy định cụ thể, đặc biệt quy định cụ thể điều kiện, danh mục bệnh được khám bệnh, chữa bệnh từ xa là một điểm mới trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được cụ thể hoá.

- Phân cấp chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được quy định với các tiêu chí đánh giá cụ thể, chi tiết theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Điểm nổi bật trong quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP là xếp cấp chuyên môn kỹ thuật các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dựa vào năng lực chuyên môn, năng lực hỗ trợ kỹ thuật, năng lực đào tạo thực hành và năng lực nghiên cứu khoa học. Việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật không phụ thuộc vào cấp hành chính mà hoàn toàn căn cứ vào năng lực chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

-Quy định liên quan đến đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức chứng nhận chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là căn cứ pháp lý cho việc đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chất lượng cơ bản, tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, tiêu chuẩn chất lượng đối với từng chuyên khoa hoặc từng dịch vụ kỹ thuật, tạo điều kiện cho việc áp dụng, thừa nhận các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hoặc nước ngoài, ra đời các tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

13. Quy định chi tiết quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan đến áp dụng kỹ thuật mới phương pháp mới: 

Thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Nghị định 96/2023/NĐ-CP cũng đã quy định chi tiết quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan đến áp dụng kỹ thuật mới phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh, trong đó, theo quy định của Luật, chỉ có 2 loại kỹ thuật mới, phương pháp mới, đó là kỹ thuật, phương pháp lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam hoặc lần đầu tiên áp dụng trên thế giới. So với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, quy định mới đã giới hạn chỉ bao gồm 2 nhóm thuộc kỹ thuật mới, phương pháp mới so với 3 nhóm trước đây (bao gồm cả kỹ thuật mới, phương pháp mới đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh). 

Như vậy, theo quy định của Luật và Nghị định, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng các kỹ thuật lần đầu tiên tại cơ sở đó nếu không thuộc nhóm kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng trên thế giới hay tại Việt Nam thì chỉ áp dụng thủ tục bổ sung danh mục kỹ thuật hoặc áp dụng quy định về chuyển giao kỹ thuật, các quy trình đã được đơn giản hoá so với quy định trước đây.

- Quy định liên quan đến thử nghiệm lâm sàng đối với kỹ thuật mới, phương pháp mới, thử nghiệm lâm sàng thiết bị y tế cũng đã được quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho việc đưa các kỹ thuật mới, phương pháp mới, thiết bị y tế mới vào Việt Nam hoặc được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam có quy trình, hồ sơ, thủ tục chặt chẽ, áp dụng phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Nghị định quy định về quản lý thiết bị y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể là quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng thiết bị y tế trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, yêu cầu đối với quản lý, sử dụng, kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, thay thế vật tư linh kiện, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị y tế. Nghị định cũng cho phép ưu tiên xử lý trước một số trường hợp đối với hồ sơ đăng ký lưu hành thiết bị y tế theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế để giúp đẩy nhanh, bảo đảm nguồn cung phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

14. Bổ sung quy định về huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm a hoặc tình trạng khẩn cấp

Một trong những nội dung đã được bổ sung vào Luật và Nghị định là vấn đề huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp. Đây cũng là những quy định tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đã xảy ra trong thực tiễn chống đại dịch COVID-19 trong những năm vừa qua, cụ thể hoá Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Nghị quyết số 12 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

15. Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Các điều kiện liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm, quy định về tài chính, cơ chế hỗ trợ cho một số đối tượng ưu tiên, xã hội hoá đã được cụ thể hoá một số nội dung: vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế (đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phân loại tự chủ nhóm 1, 2 và 3). Quy định về xã hội hoá trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, quy định mua trả chậm, trả dần và mượn thiết bị y tế, vấn đề tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Các quy định cụ thể về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, kinh phí cho hoạt động cấp cứu ngoại viện, một số chi phí trong chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh, nuôi dưỡng đối với người bệnh không có thân nhân, người tử vong không có người nhận tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh Nghị định số 96/2023/NĐ-CP do Bộ Y tế tham mưu trình Chính phủ ban hành, Bộ Y tế cũng đã ban hành các thông tư quy định cụ thể một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (Thông tư số 27/2023/TT-BYT, 28/2023/TT-BYT, 30/2023/TT-BYT, 32/2023/TT-BYT, 34/2023/TT-BYT) nhằm cụ thể hoá một số nội dung do Luật giao. Các quy định liên quan đến phạm vi hành nghề, cập nhật kiến thức y khoa liên tục, hoạt động của nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, y tế thuộc đơn vị, cơ quan, tổ chức, nội dung thừa nhận tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức và hoạt động của hội đồng chuyên môn trong giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh, quy định mẫu hồ sơ bệnh án.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các văn bản hướng dẫn đã giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc đối với người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ chế huy động trong phòng chống dịch, vấn đề xã hội hoá, giá dịch vụ và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Với quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, Luật và các văn bản hướng dẫn đã thúc đẩy và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế dự kiến bãi bỏ 92 thủ tục hành chính, ban hành 34 thủ tục hành chính mới, 3 thủ tục hành chính thay thế để thực hiện Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

――――――――

Nếu còn thắc mắc, hoặc cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT CiLAF & PARTNERS

Address: 234 Ngô Thì Nhậm, P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Phone: 0706.68.78.68

Mail: contact@cilaf.vn

Website: www.cilaf.vn

Hoặc inbox trực tiếp qua Fanpage

Facebook: Công ty Luật Cilaf & Partners

Link: https://www.facebook.com/cilaf.vn

Zalo OA: zalo.me/2884625428758109382