Chính sách nổi bật có hiệu lực từ ngày 01-01-2022

448 lượt xem

I. KỂ TỪ NGÀY 01/01/2022, LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG 2020 VÀ VĂN BẢN HƯỚNG DẪN CHÍNH THỨC CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH

Kể từ ngày 01/01/2022, Luật Người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 và Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Đồng thời, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, Nghị định 38/2020/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BLĐTBXH-NHNNVN sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.

Theo đó, Luật Người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 và Nghị định 112/2021/NĐ-CP có một số điểm mới nổi bật sau đây:

1. Cấm thu tiền môi giới của người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Cụ thể, Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như:

– Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật

– Hỗ trợ người lao động hoặc trực tiếp làm thủ tục để người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này.

– Cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài.

–  Phân biệt đối xử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

– Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà không có giấy phép; sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép của doanh nghiệp để hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

– Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động, tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật.

– Thu tiền môi giới của người lao động.

– Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật này.

– v.v…

Trước đây, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 và Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BLĐTBXH-NHNNVN vẫn cho phép doanh nghiệp thu tiền môi giới của người lao động khi ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp visa. Mức trần tiền môi giới cho các thị trường không vượt quá một tháng lương/người lao động cho một năm hợp đồng. Trường hợp do yêu cầu của thị trường đòi hỏi mức tiền môi giới cao hơn mức trần quy định thì doanh nghiệp báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định cụ thể mức tiền môi giới cho phù hợp sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính.

Như vậy, kể từ ngày 01/01/2022, cấm thu tiền môi giới của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

2. Tăng mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Theo đó, Điều 23 Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ) được quy định như sau:

– Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây viết tắt là ngân hàng nhận ký quỹ).

– Doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng) đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.

So với trước đây, Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ là 1.000.000.000 đồng (một tỷ Việt Nam đồng) tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam.

3. Người lao động không phải hoàn trả tiền môi giới

Luật Người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 đã loại bỏ quy định “Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội” nêu tại khoản 1 Điều 20 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006.

Như vậy, từ ngày 01/01/2022, người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ không cần hoàn trả tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ. Từ đó giúp người lao động giảm thiểu chi phí tiền dịch vụ khi đi làm việc ở nước ngoài.

4. Bổ sung thêm hình thức người Việt nam đi làm việc ở nước ngoài

Điều 5 Luật này đã liệt kê các hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:

– Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

– Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:

+ Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;

+ Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;.

+ Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

– Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

Theo đó, Luật này đã bổ sung thêm hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Cụ thể, đây là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan thuộc Chính thủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

II. CHÍNH SÁCH VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Tăng 7.4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng

Theo đó, từ ngày 01/01/2022 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12 năm 2021 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 108/2021/NĐ-CP, cụ thể:

– Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

– Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP.

– Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định 613/QĐ-TTg,

– vv….

Sau điều chỉnh mức tăng 7,4% mà mức hưởng của người nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995 vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng thì còn được tăng thêm:

– Tăng 200.000 đồng/tháng: Nếu mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng trở xuống.

– Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/tháng: Nếu mức hưởng từ 2,3 – dưới 2,5 triệu đồng/tháng.

Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.

2. Tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu từ ngày 01/01/2022

Theo Điều 87 Luật BHXH 2014, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng (Mtnt) do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.

Mtnt = CN + m x 50.000 (đồng/tháng)

Trong đó:

– CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng (đồng/tháng).

– m: Tham số tự nhiên có giá trị từ 0 đến n.

Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Từ ngày 01/01/2022, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn được điều chỉnh là 1.500.000 đồng/người/tháng so với trước đây là 700.000 đồng/người/tháng. Tương ứng với đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất sẽ tăng từ 154.000 đồng/tháng lên thành 330.000 đồng/tháng.

Như vậy, từ ngày 01/01/2022 mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng, tăng hơn gấp đôi so với trước đó.

3. Người nước ngoài bắt đầu phải đóng quỹ hưu trí – tử tuất

Ngày 01/01/2022 cũng là thời điểm bắt đầu áp dụng quy định đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người lao động nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài. Cụ thể, Điều 12 và Điều 13 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định:

“Điều 12. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động

1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Điều 13. Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị định này, hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như sau:

c) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.”

Trước đây, người lao động nước ngoài thuộc đối tượng đóng BHXH chỉ phải đóng tiền bảo hiểm y tế, còn doanh nghiệp sử dụng những người lao động này chỉ phải dùng 3% tiền lương để đóng quỹ ốm đau, thai sản; 0,3% hoặc 0,5% đóng quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 3% vào quỹ bảo hiểm y tế.

Như vậy, từ ngày 01/01/2022, người lao động nước ngoài sẽ phải trích thêm 8% tiền lương để đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất, còn doanh nghiệp phải đóng thêm số tiền tương đương 14% tiền lương của người lao động.

III. CHÍNH SÁCH VỀ THUẾ, PHÍ-LỆ PHÍ

1. Giảm mức thu của 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 120/2021/TT-BTC  quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ khó khăn do Covid-19 gây ra, như:

– Phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường: Bằng 70% mức thu phí tại Thông tư 22/2020/TT-BTC.

– Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở: Bằng 50% mức thu phí tại Thông tư 209/2016/TT-BTC.

– Phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng: Bằng 50% mức thu phí tại Thông tư 210/2016/TT-BTC.

– Lệ phí sở hữu công nghiệp: Bằng 50% mức thu phí tại Thông tư 263/2016/TT-BTC.

– Phí đăng ký giao dịch bảo đảm: Bằng 80% mức thu phí tại Thông tư số 202/2016/TT-BTC và bằng 80% mức thu phí Thông tư số 113/2017/TT-BTC.

– V.v….

Thông tư 120/2021/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022.

2. Không bắt buộc sàn thương mại điện tử khai thuế thay người bán

Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.

Theo đó, sửa đổi quy định về tổ chức kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC, cụ thể, tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.

Trước đây, Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử chủ sàn thương mại điện tử thực hiện việc kê khai, nộp thuế thay cho người bán theo lộ trình của cơ quan thuế.

Như vậy, từ 01/01/2022, sàn thương mại điện tử sẽ không phải kê khai thuế thay, nộp thuế thay nếu người bán không ủy quyền.

3. Cá nhân cho thuê tài sản có doanh thu dưới 100 triệu/năm không phải nộp thuế

Cụ thể, theo quy định của Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN.

Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì mức doanh thu để xác định cá nhân phải nộp thuế hay không phải nộp thuế là doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch.

Trước đây, phương pháp tính thuế đối với trường hợp này được quy định như sau: Cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản.

Như vậy, từ ngày 01/01/2022,  cá nhân cho thuê tài sản có doanh thu dưới 100 triệu/năm không phải nộp thuế GTGT, TNCN.

4. Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được sửa đổi, bổ sung

Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực, một trong số đó là sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn chính thức sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2022.

Theo đó, Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn như sau:

Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

Theo đó. thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm, tăng so với quy định hiện hành tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP là 01 năm.

Sửa đổi, bổ sung một số trường hợp xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

– Sửa đổi quy định về xử phạt hành vi cho, bán hóa đơn: theo đó phạt tiền từ 20 triệu đến 50 triệu đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn, trừ hành vi quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. So với quy định hiện hành thì mức phạt tiền từ 20 triệu đến 50 triệu sẽ áp dụng đối với hành vi cho, bán hóa đơn mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập.

– Bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định với mức phạt tiền từ 4 triệu đến 8 triệu đồng.

– Bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế với mức phạt tiền từ 4 triệu đến 8 triệu đồng.

– Loại bỏ quy định xử phạt đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã nộp thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ.

Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Bổ sung trường hợp không tính tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Theo đó, không tính tiền chậm nộp tiền phạt trong các trường hợp sau:

– Trong thời gian được hoãn thi hành quyết định phạt tiền;

– Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn tiền phạt;

– Số tiền phạt chưa đến hạn nộp trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần.

5. Thông tư 80/2021/TT-BTC chính thức có hiệu lực thi hành

Kể từ ngày 01/01/2022, Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế của Bộ Tài chính sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, Thông tư 80/2021/TT-BTC đã ban hành các mẫu biểu hồ sơ khai thuế được áp dụng đối với các kỳ tính thuế bắt đầu kể từ ngày 01/01/2022. Việc khai quyết toán thuế của kỳ tính thuế năm 2021 cũng được áp dụng theo mẫu biểu của Thông tư này.

Ngoài ra, Thông tư cũng dành hẳn 01 nội dung riêng (Chương IX) quy định về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam.

Thêm vào đó, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các văn bản sau đây sẽ hết hiệu lực toàn bộ:

– Thông tư số 156/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP.

– Thông tư số 99/2016/TT-BTC hướng dẫn quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng;

– Thông tư số 31/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 99/2016/TT-BTC hướng dẫn quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng.

– Thông tư số 208/2015/TT-BTC về hoạt động của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn;

– Thông tư số 71/2010/TT-BTC hướng dẫn ấn định thuế đối với cơ sở kinh doanh xe ô tô, xe hai bánh gắn máy ghi giá bán xe ô tô, xe hai bánh gắn máy trên hóa đn giao cho người tiêu dùng thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường.

– Thông tư số 06/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 34a Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

– Thông tư số 79/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tiết b1 điểm b khoản 4 Điều 48 Thông tư số 156/2013/TT-BTC. Thông tư 80/2021/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.

IV. QUY ĐỊNH MỚI VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Kể từ ngày 01/01/2022, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, về thông tin hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website thương mại điện tử bán hàng có những quy định mới như sau:

– Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (không bao gồm các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất, số khung, số máy).

– Người bán phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.

Ngoài ra, người bán phải tiếp tục tuân thủ quy định hiện hành là cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử gồm:

– Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

– Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;

– Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;

– Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

Bổ sung đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm:

– Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

– Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 2 bên tham gia;

– Lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán; – Liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 8, khoản 9 Điều 36 mà gây thiệt hại.

#legalupdate #tintucphaply #2022 #cilaf