Giao dịch đặc thù trong Luật bảo vệ người tiêu dùng 2023

54 lượt xem

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023 gồm 07 Chương, 80 Điều quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, Luật đã dành Chương III quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng giao dịch đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong các giao dịch trong giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp. Cụ thể:

1.     Quy định mới về giao dịch từ xa

Trước đây, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 không đề cập đến thuật ngữ “giao dịch từ xa”. Thay vào đó, chỉ có quy định về hợp đồng giao kết từ xa trong Nghị định số 99/2011/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo khoản 5 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 thì “giao dịch từ xa” là các giao dịch thực hiện qua mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà người tiêu dùng không có cơ hội kiểm tra hoặc tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa được quy định tại Điều 37, Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 như sau:

(1) Khi thực hiện giao dịch từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp chính xác và đầy đủ cho người tiêu dùng các thông tin sau đây:

  • Tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc của đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có);

  • Số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc mã số doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác đối với tổ chức kinh tế; mã số thuế cá nhân đối với cá nhân;

  • Đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

  • Chi phí giao hàng (nếu có);

  • Phương thức, thời hạn thanh toán; thời gian, địa điểm, phương thức bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; điều kiện và phương thức đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

  • Thời gian có hiệu lực của đề nghị thực hiện giao dịch;

  • Thông tin về các khoản phí, chi phí, thuế giá trị gia tăng, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh và các điều kiện giao dịch chung áp dụng trong quá trình cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng;

  • Chi tiết về công dụng, cách thức sử dụng, bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

  • Quyền của người tiêu dùng quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật này;

  • Quy trình xử lý việc đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết; Quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

(2) Nêu rõ phương thức giao dịch từ xa cụ thể là:

  • Trường hợp giao dịch được thực hiện thông qua điện thoại hoặc hình thức liên lạc, đàm thoại khác, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thông tin ngay từ đầu về tên, địa chỉ của mình và mục đích của cuộc đàm thoại.

  • Trường hợp giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thực hiện quy định của Luật này, pháp luật về thương mại điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(3) Khi giao dịch từ xa với người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm xây dựng công cụ và thực hiện biện pháp bảo đảm sau đây:

  • Cung cấp chính xác, đầy đủ nội dung hợp đồng để người tiêu dùng nghiên cứu trước khi giao kết hợp đồng;

  • Người tiêu dùng trao đổi, làm rõ nội dung hợp đồng và xác nhận đồng ý giao kết hợp đồng;

  • Người tiêu dùng xem lại và tải về hợp đồng đã có xác nhận ký kết của người tiêu dùng.

2. Luật bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch đặc thù, gồm:

- Điều 37 quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong giao dịch từ xa trong đó quy định rõ các thông tin cần cung cấp trong giao dịch từ xa;

- Điều 38 quy định về giao kết hợp đồng giao dịch từ xa;

- Điều 39 quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. Trong đó, bao gồm: 1) Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian; (2) Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn.

- Bên cạnh đó, Điều 41 quy định trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam và thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam trong cung cấp dịch vụ liên tục.

- Ngoài ra, khoản 3 Điều 10 về các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số gồm:

(1) Ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như là điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ;

(2) Hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng thông qua việc sắp xếp ưu tiên lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp trên nền tảng số mà không công khai tiêu chí lựa chọn;

(3) Sử dụng biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội;

(4) Sử dụng biện pháp ngăn cản đăng ký, hoạt động, đánh giá, hiển thị phản hồi của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

(5) Ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn mà không ảnh hưởng đến tính năng kỹ thuật cơ bản giúp nền tảng số vận hành bình thường hoặc buộc người tiêu dùng cài đặt phần mềm, ứng dụng kèm theo trên nền tảng số;

(6) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17.

Trên đây là những nội dung mới cần lưu ý đối với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong quá trình thi hành các chính sách pháp luật có nội dung liên quan đến giao dịch từ xa hoặc giao dịch trên không gian mạng ngoài thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn phải thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và pháp luật về giao dịch điện tử.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.