Sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam - Những điểm mới Doanh nghiệp cần lưu

1083 lượt xem

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, Nghị định 70/2023/NDD-CP bổ sung một số điểm mới đáng chú ý như sau:

  1. Thay đổi cơ quan có thẩm quyền cấp văn bản chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài

Nghị định 152/2023/NĐ-CP trước đó quy định thẩm quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận việc sử dụng lao động nước ngoài thuộc về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 1 của Nghị định 70/2023, Bộ LĐTBXH hoặc Sở LĐTBXH được quy định là các cơ quan có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng NLĐ nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người sử dụng lao động đã báo cáo.

  1. Nới điều kiện chuyên môn đối với NLĐ nước ngoài

Nghị định 70/2023 đã điều chỉnh yêu cầu đối với NLĐ nước ngoài là chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Cụ thể, thay vì quy định chuyên gia là NLĐ nước ngoài phải có bằng đại học đúng chuyên ngành dự kiến làm việc như trước đây, nay chỉ cần tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Theo quy định mới, giám đốc điều hành không chỉ là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà được quy định với phạm vi rộng hơn bao gồm:

  • Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất 01 lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Lao động kỹ thuật nước ngoài cũng được bỏ yêu cầu làm đúng chuyên ngành được đào tạo mà thay vào đó, chỉ cần được đào tạo ít nhất 01 năm và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm tại Việt Nam.

  1. Rút ngắn thời gian báo cáo nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài

Nghị định 70/2023 đã rút ngắn thời gian xác định nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài xuống còn ít nhất 15 ngày kể từngày dự kiến sử dụng NLĐ nước ngoài (thay vì 30 ngày như quy định tại Nghị định 152/2020).

Trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐ nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà NLĐ Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ LĐTBXH hoặc Sở LĐTBXH nơi NLĐ nước ngoài dự kiến làm việc theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I của Nghị định 70/2023.

Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài về vị trí, chức danh công việc, hình thức làm việc, số lượng, địa điểm thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ LĐTBXH hoặc Sở LĐTBXH theo Mẫu số 02/PLI Phụ lục I của Nghị định 70/2023 trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐ nước ngoài.

  1. Điều chỉnh các trường hợp không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài

Nghị định 70/2023 đã loại bỏ 04 trường hợp người nước ngoài thuộc diện không cần làm thủ tục xác định nhu cầu sử dung lao động nước ngoài, bao gồm:

(1) Người nước ngoài vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA theo quy định hoặc thỏa thuận đã ký kết giữa Việt Nam và phía nước ngoài;

(2) Người nước ngoài được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam;

(3) Người nước ngoài vào Việt Nam làm tình nguyện viên theo hình thức tự nguyện và không hưởng lương để thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam; và

(4) Người nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận vào Việt Nam để làm công việc giảng dạy, nghiên cứu; hoặc làm nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, hiệu phó của cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập.

Như vậy, từ 18/9/2023, khi sử dụng những NLĐ nước ngoài trên đây, doanh nghiệp buộc phải làm thủ tục xác nhận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.

  1. Thông báo tuyển dụng NLĐ Việt Nam vào làm việc tại vị trí dành cho NLĐ nước ngoài phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử

Kể từ ngày 01/01/2024, việc thông báo tuyển dụng NLĐ Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng NLĐ nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTBXH (Cục Việc làm: http://doe.gov.vn/) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình với Bộ LĐTBXH hoặc SởLĐTBXH nơi NLĐ nước ngoài dự kiến làm việc.

Thông báo tuyển dụng bao gồm các nội dung sau: vị trí và chức danh công việc, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu vềtrình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc. Nếu không tuyển được NLĐ Việt Nam vào các vị ví tuyển dụng NLĐ nước ngoài, người sử dụng lao động phải làm thủ tục xác định nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài theo quy định.

  1. Bổ sung quy định liên quan đến giấy phép lao động (“GPLĐ”)
  • Cấp lại GPLĐ: Khoản 7 Điều 1 của Nghị định 70/2023 bổ sung trường hợp đổi tên doanh nghiệp mà không thay đổi mã số doanh nghiệp ghi trong GPLĐ còn thời hạn sẽ được cấp lại GPLĐ.
  • Không phải xin GPLĐ: Khoản 7 Điều 1 của Nghị định 70/2023 cũng bổ sung thêm trường hợp NLĐ nước ngoài vào Việt Nam làm việc không phải xin GPLĐ, bao gồm:

(1) Người nước ngoài được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy hoặc làm nhà quản lý, giám đốc điều hành tại cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; và

(2) Người nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận NLĐ nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các công việc: Giảng dạy, nghiên cứu; Làm nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam.

  • Chấp nhận GPLĐ trước đây đểchứng minh kinh nghiệm làm việc: Nghị định 70/2023 cho phép NLĐ nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật sử dụng GPLĐ đã được cấp trước đây hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ đã được cấp để chứng minh kinh nghiệm làm việc. Quy định mới này giải quyết nhiều khiếu nại của người sử dụng lao động và hỗ trợnghĩa vụ chứng minh kinh nghiệm của NLĐ nước ngoài.
  • Cho phép cấp GPLĐ bản điện tử: Ngoài GPLĐ bản giấy theo mẫu như hiện nay, Nghị định 70/2023 cho phép cấp GPLĐ bản điện tửnhưng phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật liên quan và đáp ứng nội dung theo mẫu GPLĐ.
  1. NLĐ nước ngoài kết hôn với người Việt Nam phải xin Giấy xác nhận miễn GPLĐ

Trước Nghị định 70/2023, NLĐ nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam được miễn GPLĐ. Trong trường hợp này, vì người sử dụng lao động không phải làm thủ tục xác nhận NLĐ nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ nên không có bất kỳ xác nhận hoặc chứng nhận nào về việc miễn GPLĐ (chỉ cần báo cáo cơ quan quản lý lao động nơi NLĐ nước ngoài dự kiến làm việc). Nhưng kể từ Nghị định 70/2023, người sử dụng lao động phải xin cấp Giấy xác nhận miễn GPLĐ cho NLĐ nước ngoài kết hôn với người Việt Nam. Dựa trên Giấy xác nhận này, người sử dụng lao động có thể hỗ trợ NLĐ nước ngoài xin thị thực (visa)/thẻ tạm trú theo diện lao động.

  1. Chế độ báo cáo đối với NLĐ nước ngoài làm việc tại nhiều tỉnh, thành

Theo khoản 3 Điều 1 của Nghị định 70/2023, trường hợp NLĐ nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày NLĐ nước ngoài bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải báo cáo (hình thức online) về Bộ LĐTBXH và Sở LĐTBXH nơi NLĐ nước ngoài đến làm việc theo Mẫu số 17/PLI Phụ lục I của Nghị định 70/2023.

  1. Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế ngưng tiếp nhận hồ sơ về lao động nước ngoài

Điều 2 của Nghị định 70/2023 đã bãi bỏ một số quy định của Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Do đó, kể từ ngày 18/9/2023, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế sẽngưng tiếp nhận hồ sơ về lao động nước ngoài trong các trường hợp sau:

  • Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi GPLĐ và xác nhận NLĐ nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
  • Tiếp nhận báo cáo tình hình sửdụng NLĐ nước ngoài; và
  • Tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế về nhu cầu sửdụng người nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được.

Nghị định 70/2023 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành, tức ngày 18/9/2023

-------

Nếu còn thắc mắc, hoặc cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT CiLAF & PARTNERS

Address: 234 Ngô Thì Nhậm, P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Phone: 0706.68.78.68

Mail: contact@cilaf.vn

Website: www.cilaf.vn

Hoặc inbox trực tiếp qua Fanpage

Facebook: Công ty Luật Cilaf & Partners

Link: https://www.facebook.com/cilaf.vn

Zalo OA: zalo.me/2884625428758109382