Quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải về ô tô

457 lượt xem

Kinh doanh vận tải đường bộ là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là một trong những loại hình của kinh doanh vận tải đường bộ. Do đó, để hoạt động trong lĩnh vực này, chủ doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Vào ngày 19/7/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:

1. Quy định về công tác bảm đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Bổ sung điểm đ khoản 3 Điều 11)

- Đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

2. Thiết bị giám sát hành trình của xe (Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 34; điểm b khoản 3 Điều 12)

- Từ ngày 01/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

- Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ không chỉ với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) mà còn phải kết nối, chia sẻ với cơ quan Tổng cục Hải quan để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; an ninh, trật tự; thuế; phòng, chống buôn lậu.

3. Sửa đổi Điểm d, Khoản 1 và bổ sung khoản 3, Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô

- Yêu cầu về xe taxi: phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

- Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách (trừ xe đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày Nghị định 47/2022/NĐ-CP có hiệu lực thì tiếp tục sử dụng đến hết niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định này). Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

4. Đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh

- Bị thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải không thời hạn vẫn được cấp lại nếu có hồ sơ đề nghị, cung cấp được tài liệu chứng minh việc khắc phục vi phạm và chỉ áp đối với các trường hợp sau:

+ Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

+ Sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu.

5. Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thu hồi Giấy phép Kinh doanh do cơ quan mình cấp

Khi cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh thì đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 07 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực phải nộp lại Giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu cho cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh, phải dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh ngay sau khi quyết định có hiệu lực.

6. Quản lý sử dụng, cấp, cấp lại và thu hồi phù hiệu, biển hiệu

- Phù hiệu được cấp lại khi bị thu hồi. Sau khi hết thời hạn bị thu hồi phù hiệu, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải thì đơn vị kinh doanh vận tải phải làm thủ tục để được cấp lại phù hiệu theo quy địnhHồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp lại phù hiệu thực hiện theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

- Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại biển hiệu xe ô tô vận tải khách du lịch thực hiện theo quy định tại Nghị định 168/2017/NĐ-CP.

Ngoài ra, Nghị định 47/2022/NĐ-CP đã bãi bỏ khoản 8, 9 Điều 19 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP như sau:

- Đơn vị kinh doanh vận tải bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì phải dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Sau khi hết thời hạn tước quyền sử dụng, nếu đơn vị kinh doanh vận tải có nhu cầu tiếp tục tham gia kinh doanh vận tải thì phải làm thủ tục để được cấp lại Giấy phép kinh doanh theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 của Nghị định này và phải có thêm tài liệu chứng minh việc khắc phục vi phạm là nguyên nhân bị tước quyền sử dụng.

- Trong thời gian đơn vị kinh doanh vận tải bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì Sở Giao thông vận tải không thực hiện cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải và các loại phù hiệu, biển hiệu đối với loại hình kinh doanh đã bị tước quyền sử dụng.

Nghị định 47/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2022.

#legalnews #tintucphaply #cilaf

————————

Nếu còn thắc mắc, hoặc cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT CILAF & PARTNERS

Address: 88 Nguyễn Đệ, P. An Thới, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

Phone: 0706.68.78.68

Mail: contact@cilaf.vn

Website: www.cilaf.vn

Hoặc inbox trực tiếp qua Fanpage

Facebook: Công ty Luật Cilaf & Partners

Link: https://www.facebook.com/cilaf.vn

Zalo OA: zalo.me/2884625428758109382