Cơ hội cạnh tranh cho OTT TV Việt Nam

389 lượt xem

Truyền hình OTT có lẽ còn là một thuật ngữ khá mới lạ ở Việt Nam. Vì thế, nhiều người không biết truyền hình OTT là gì. Những năm gần đây, sự xuất hiện của OTT TV nước ngoài ngày càng nhiều vào thị trường Việt Nam vừa là cơ hội vừa là thách thức cho OTT Việt Nam. Đáng chú ý là những nhà cung cấp nội dung số nước ngoài như Netflix, Amazon Prime video hay HBO…khi cung cấp cho người dùng tại Việt Nam lại hoạt động ngoài vòng pháp luật Việt Nam gây khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát tại nước ta.

Ngày 01/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Với Nghị định này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV trong nước sẽ được cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp OTT TV xuyên biên giới…

1. Truyền hình OTT là gì?

Theo trang Investopedia, OTT (over the top) là cụm từ chỉ những nội dung phim và truyền hình được cung cấp qua đường truyền internet tốc độ cao thay vì các phương tiện truyền thống như truyền hình cáp hay truyền hình vệ tinh.

Trên thực tế, OTT không chỉ cung cấp dịch vụ truyền hình mà còn cung cấp thêm các dịch vụ gọi điện, nhắn tin.Không những thế OTT còn có thể được sử dụng trên hầu hết các thiết bị. OTT có nhiều nhà cung cấp dịch vụ như:

- Nhà cung cấp dịch vụ xem phim trả phí như Netflix, HBO Go, Amazon Prime Video...

- Nhà cung cấp video, hình ảnh miễn phí như Youtube, Tik Tok...

- Nhắn tin, gọi điện miễn phí như Facebook Messenger, Skype, Line, Zalo...

Với cách thức hoạt động đa dạng và nhiều chương trình để lựa chọn mà chỉ trả chi phí thấp thì OTT được xem như một phương tiện giải trí hữu ích cho người dùng hiện nay.

2. Mở ra hướng cạnh tranh công bằng cho OTT Việt Nam thông qua Nghị định 71/2022/NĐ-CP

OTT  là “thuật ngữ chỉ các ứng dụng và các nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng internet và không một nhà cung cấp hoặc bất kỳ cơ quan nào có thể can thiệp vào”. Vì thế, OTT TV nước ngoài dường như không đặt dưới sự kiểm soát của bất kì đơn vị quản lý nào. Từ nhiều năm qua, các đơn vị truyền hình trả tiền trong nước như VTV cab, Viettel, FPT play,... đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung theo quy định Luật Báo chí, Luật Điện ảnh. Song song đó là nghĩa vụ trích nộp ngân sách Nhà nước, đóng đầy đủ các loại thuế, phí. Mặt khác, gần 80%  thị phần OTT tại Việt Nam là từ các doanh nghiệp xuyên biên giới. Trong khi các doanh nghiệp trong nước chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật liên quan thì các đơn vị của nước ngoài gần như không phải chịu bất cứ sự kiểm duyệt hay chế tài luật pháp nào. Điều này khiến OTT TV  dường như rơi vào cảnh “thất thủ” trước OTT TV xuyên biên giới.

Từ những bất cập trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nội dung căn bản nhất của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là khẳng định quan điểm quản lý dịch vụ OTT TV VOD, gồm cả doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng tại Việt Nam. 

Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam phải được cấp phép. 

Đối với loại hình dịch vụ OTT TV, doanh nghiệp có thể lựa chọn 2 mô hình cung cấp dịch vụ: (i) OTT TV cung cấp cả kênh trực tuyến và nội dung theo yêu cầu (VOD) và (ii) OTT TV chỉ cung cấp VOD (OTT TV VOD). 

Đối với dịch vụ OTT TV VOD, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện kê khai theo mẫu của Bộ Thông tin và Truyền thông, thay vì phải lập Đề án (Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP). 

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước, có những điều kiện về kỹ thuật tương đương như doanh nghiệp nước ngoài, được tham gia cung cấp dịch vụ. 

Doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tham gia thị trường cũng phải thực hiện thủ tục như doanh nghiệp trong nước.

Bổ sung quy định về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung VOD

Điểm quan trọng tiếp theo của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là bổ sung thêm một Điều 20a của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP (khoản 11 Điều 1 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP) quy định về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung VOD. Theo đó, nội dung VOD được phân thành 03 nhóm để thực hiện, gồm:

(i) Đối với các chương trình tin tức, thời sự; các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội: phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ; 

(ii) Đối với phim: doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả phân loại. 

Trong trường hợp doanh nghiệp không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng; 

(iii) Đối với chương trình thể thao, giải trí: Các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ được thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ theo nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi thành từ ngày 01/01/2023 sẽ tạo điều kiện cho Doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ trên cùng mặt bằng pháp lý, bảo đảm sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

#legalnews #tintucphaply #cilaf

————————

Nếu còn thắc mắc, hoặc cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT CILAF & PARTNERS

Address: 88 Nguyễn Đệ, P. An Thới, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

Phone: 0706.68.78.68

Mail: contact@cilaf.vn

Website: www.cilaf.vn

Hoặc inbox trực tiếp qua Fanpage

Facebook: Công ty Luật Cilaf & Partners

Link: https://www.facebook.com/cilaf.vn

Zalo OA: zalo.me/2884625428758109382