Các loại thuế Doanh nghiệp phải nộp năm 2022

354 lượt xem

Khi thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, ngoài việc đăng ký kinh doanh, Doanh nghiệp còn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, cụ thể là thuế đối với Nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải nộp các loại thuế như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác có liên quan. Dưới đây là các loại thuế Doanh nghiệp phải nộp năm 2022.

1. Lệ phí môn bài (thuế môn bài)

Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước (khoản 2 Điều 3 Luật Phí và lệ phí năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, lệ phí môn bài là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải nộp để được sản xuất, kinh doanh. Lệ phí môn bài được nộp định kỳ hàng năm hoặc khi mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định về mức thu lệ phí môn bài như sau:

Đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:

+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;

+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;

+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.

Đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:

- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;

- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;

- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) khi hết thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp):

Trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể có hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

2. Thuế giá trị gia tăng (VAT)

Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế GTGT có đối tượng chịu thuế rất rộng, thuế giá trị gia tăng chỉ tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa dịch vụ. Dựa trên giá mua cuối cùng của hàng hóa dịch vụ, thuế GTGT phải nộp không thay đổi phụ thuộc vào các giai đoạn lưu thông khác nhau.

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung 2016 gồm có 3 mức thuế suất: 0%, 5% và 10%.

Theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc Hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì giảm thuế GTGT xuống 8% đối với các nhóm hàng hoá, dịch vụ áp dụng mức thuế suất 10%, trừ các nhóm hàng hoá, dịch vụ sau đây:

- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.

- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. - Lưu ý:

+ Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

+ Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế GTGT.

+ Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế GTGT.

+ Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT và không được giảm thuế.

Cơ sở kinh doanh thuộc diện được giảm thuế và tính thuế GTGT theo phương pháp:

- Khấu trừ thì được áp dụng mức thuế suất là 8%

- Tỷ lệ % trên doanh thu thì được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế khi thực hiện xuất hoá đơn (áp dụng cho cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh).

Việc giảm thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP chỉ áp dụng từ ngàu 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

3. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Là thuế trực thu, đánh vào thu nhập của cơ sở kinh doanh trong kỳ tính thuế, xác định trên cơ sở năm tài chính và có chế độ ưu đãi thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp đánh vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.

Hiện nay có các hình thức ưu đãi thuế gồm có ưu đãi về thuế suất (áp dụng thuế suất thấp hơn trong một thời gian nhất định) và miễn, giảm thuế trong một số năm theo Điều 20 Thông tư số 78/2014/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

-  Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với

+ Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2015/TT-BTC).

+ Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hoá thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

-  Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong năm tiếp theo

+ Đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hoá tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

- Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo

+ Đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 4 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại Khu công nghiệp (trừ Khu công nghiệp nằm trên địa bàn có điều kiện – kinh tế xã hội thuận lợi). Địa bàn có điều kiện – kinh tế xã hội thuận lợi quy định tại khoản này là các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, không bao gồm các quận của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh mới được thành lập từ huyện kể từ ngày 01/01/2009; Trường hợp khu công nghiệp nằm trên cả địa bàn thuận lợi và địa bàn không thuận lợi thì việc xác định ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp căn cứ vào vị trí thực tế của dự án đầu tư trên thực địa.

+ Việc xác định đô thị loại đặc biệt, loại I quy định tại khoản này thực hiện theo quy định tại Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ quy định về phân loại đô thị và văn bản sửa đổi Nghị định này (nếu có).

- Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế.

+ Trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong 03 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới phát sinh doanh thu.

+ Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định nêu trên được tính từ năm được cấp Giấy chứng nhận công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

4. Thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân là khoản thuế doanh nghiệp nộp giúp người lao động. Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, thu vào một số khoản thu nhập cao chính đáng của cá nhân nhằm thực hiện việc điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, góp phần thực hiện công bằng xã hội về thu nhập và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Việc đánh thuế thu nhập cá nhân thường áp dụng theo nguyên tắc lũy tiến từng phần. Thu nhập tính thuế với mức thuế suất dao động đến 05 triệu đồng/tháng – trên 80 triệu đồng/tháng và mức thuế suất đóng thuế thu nhập cá nhân là từ 5% đến 35%.

#legalnews #tintucphaply #cilaf

————————

Nếu còn thắc mắc, hoặc cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT CILAF & PARTNERS

Address: 88 Nguyễn Đệ, P. An Thới, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

Phone: 0706.68.78.68

Mail: contact@cilaf.vn

Website: www.cilaf.vn

Hoặc inbox trực tiếp qua Fanpage

Facebook: Công ty Luật Cilaf & Partners

Link: https://www.facebook.com/cilaf.vn

Zalo OA: zalo.me/2884625428758109382