BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 04/2021

587 lượt xem

1. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% sẽ phải thưc hiện công bố thông tin định kỳ

Trước đây, Nghị định 81/2015/NĐ-CP chỉ quy định các thông tin phải công bố định kỳ đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, từ ngày 01/04/2021, khi Nghị định 47/2021/NĐ-CP có hiệu lực, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết cũng phải thực hiện việc công bố thông tin; cụ thể, các doanh nghiệp này phải định kỳ công bố các thông tin sau đây:

  • Thông tin cơ bản về doanh nghiệp và Điều lệ công ty;
  • Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm theo nội dung quy định tại Biểu số 3 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 30 tháng 6 của năm liền sau năm thực hiện;
  • Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức 06 tháng của doanh nghiệp theo nội dung quy định tại Biểu số 5 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 31 tháng 7 hằng năm;
  • Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức hằng năm của doanh nghiệp theo nội dung quy định tại Biểu số 6 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 30 tháng 6 của năm liền sau năm thực hiện;
  • Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính hằng năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập, bao gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có) theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp; thời hạn công bố trong vòng 150 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

          Ngoài ra , 47/2021/NĐ-CP cũng quy định mới về phương tiện công bố thông tin, bao gồm:

  • Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp;
  • Cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu;
  • Cổng thông tin doanh nghiệp.

2. Thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động dịch vụ kế toán

Ngày 01 tháng 4 năm 2021, Thông tư 09/2021/TT-BTC Bộ Tài chính ban hành về việc hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán.

Theo đó, kể từ ngày 013/4/2021 thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán, kế toán viên hành nghề tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán, có một số thay đổi như sau:

  – Việc kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện 3 năm/lần đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán mà trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra có:

  • Doanh thu dịch vụ kế toán từng năm trên báo cáo tài chính từ 20 tỷ đồng trở lên.
  • Mỗi năm có từ 100 khách hàng dịch vụ kế toán trở lên.

– Việc kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện ít nhất 5 năm/lần đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán không thuộc đối tượng nêu trên.

3. Thời gian làm việc của hệ thống thanh toán liên ngân hàng

Kể từ ngày 01/04/2021, Thông tư 21/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 37/2016/TT-NHNN về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia (Hệ thống TTLNH), chính thức có hiệu lực. Trong bối cảnh số hóa, khi các giao dịch thanh toán, chuyển khoản được thực hiện thông qua hệ thống thanh toán điện tử của các ngân hàng ngày càng trở nên phố biến thì việc cập nhật các quy định của Thông tư 21/2020/TT-NHNN là hết sức cần thiết.

Theo đó, các thời điểm áp dụng trong Hệ thống TTLNH được quy định như sau:
– Thời điểm Hệ thống TTLNH bắt đầu nhận Lệnh thanh toán giá trị cao, Lệnh thanh toán giá trị thấp và kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác: 8 giờ 00 phút của ngày làm việc;

– Thời điểm Hệ thống TTLNH bắt đầu nhận Lệnh thanh toán ngoại tệ: 9 giờ 00 phút của ngày làm việc;

– Thời điểm ngừng nhận Lệnh thanh toán giá trị thấp, thời điểm ngừng nhận yêu cầu xử lý kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác: 16 giờ 30 phút đối với ngày làm việc bình thường, 17 giờ 00 phút đối với 02 ngày làm việc cuối tháng;

– Thời điểm ngừng nhận Lệnh thanh toán giá trị cao, Lệnh thanh toán bằng ngoại tệ: 17 giờ 00 phút đối với ngày làm việc bình thường, 17 giờ 45 phút đối với 02 ngày làm việc cuối tháng;

 – Thời điểm hoàn thành thực hiện xử lý các Lệnh thanh toán đã nhận trong hàng đợi quyết toán (nếu có): tối đa 30 phút kể từ thời điểm Hệ thống TTLNH ngừng nhận Lệnh thanh toán;

– Thời điểm thực hiện các công việc cuối ngày (kiểm tra các điều kiện đối chiếu, thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu với Trung tâm Xử lý Quốc gia): ngay sau thời điểm hoàn thành thực hiện xử lý các Lệnh thanh toán đã nhận trong hàng đợi quyết toán.

4. Quy định mới về hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại hàng hoá xuất nhập khẩu

Thông tư 17/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 14/2015/TT-BTC về phân loại hàng hoá, phân tích để phân loại hàng hoá; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hoá XNK có hiệu lực từ ngày 12/04/2021.

Theo đó, cơ quan hải quan nơi có yêu cầu phân tích hàng hoá có trách nhiệm lập và gửi hồ sơ yêu cầu phân tích gồm:

– Phiếu yêu cầu phân tích hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hoá (mẫu 05/PYCPT/2021 ban hành kèm theo Thông tư 17 này), mỗi mặt hàng lập 01 Phiếu yêu cầu;

– Phiếu ghi số, ngày văn bản, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan liên quan đến mẫu hàng hóa;

– Mẫu hàng hóa yêu cầu phân tích; – Tài liệu kỹ thuật của hàng hóa, trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan nơi gửi hồ sơ phải nêu rõ lý do hàng hóa không có tài liệu kỹ thuật tại mục 12 mẫu 05/PYCPT/2021 (đây là quy định mới).

5. Bổ sung quy định về các trường hợp không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu từ ngày 25/04/2021

Kể từ ngày 25/04/2021 Nhị định số 18/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành sẽ bắt đầu ccó hiệu lực. Theo đó, bổ sung quy định về các trường hợp không thu thuế xuất, nhập khẩu (XNK) như sau:

          – Không thu thuế đối với hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế nhưng chưa nộp thuế theo quy định như:

  • Hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập;
  • Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất;
  • Hoàn thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất;
  • Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm;
  • Hoàn thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế XNK nhưng không có hàng hóa XNK hoặc XNK ít hơn so với hàng hóa XNK đã nộp thuế; không hoàn thuế đối với trường hợp có số tiền thuế tối thiểu.

          – Không thu thuế đối với hàng hóa không phải nộp thuế XNK quy định về:

  • Hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập;
  • Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất.

          – Người nộp thuế nộp hồ sơ không thu thuế cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục XNK hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hóa đã thông quan.           Kể từ ngày 25/4/2021, khi Nghị định 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực thì một số thông tư sau sẽ bị bãi bỏ theo quy định của Nghị định này, như: Thông tư 90/2011/TT-BTC, Thông tư 201/2012/TT-BTC, Thông tư 81/2013/TT-BTC và Thông tư 116/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

6. 99 biểu mẫu mới trong đăng ký doanh nghiệp được áp dụng từ ngày 01/5/2021

Ngày 16/3/2021, Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, thông tư này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2021.

          Thông tư 01 đã bãi bỏ 06 biểu mẫu của Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT liên quan đến các thủ tục đối với mẫu con dấu, việc chào bán cổ phần riêng lẻ và danh sách cá nhân tham gia thành lập hộ kinh doanh; bổ sung 19 biểu mẫu mới; sửa đổi chi tiết một số biểu mẫu và thêm các ghi chú hướng dẫn việc kê khai ở các biểu mẫu để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP và tạo thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, Thông tư 01 quy định tổng cộng 99 biểu mẫu sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh gồm:

  • 10 biểu mẫu về đăng ký doanh nghiệp;
  • 28 biểu mẫu về Thông báo và các băn bản khác do doanh nghiệp phát hành;
  • 06 mẫu văn bản quy định cho hộ kinh doanh;
  • 07 biễu mẫu về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh/ văn phòng đại diện/đại điểm kinh doanh;
  • 32 biểu mẫu về thông báo và các văn bản khác của Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh;
  • 14 mẫu văn bản quy định cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
  • 02 biểu mẫu văn bản quy định cho tổ chức, cá nhân.

Một số biểu mẫu có sự thay đổi đáng kể như sau:

  • Mẫu tờ khai đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp
  • Bỏ các biểu mẫu: Thông báo về việc chào bán cổ phần riêng lẻ; Thông báo về việc sử dụng/thay đổi/huỷ mẫu con dấu của doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc do Luật Doanh nghiệp năm 2020 không còn quy định về các thủ tục này.
  • Bổ sung thêm các biểu mẫu: Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp cho công ty chứng khoán và đơn vị phụ thuộc, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài/công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Thông báo về việc huỷ bỏ nghị quyết/quyết định giải thể doanh nghiệp; Giấy đề nghị dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
  • Bổ sung 03 biểu mẫu về cam kết của doanh nghiệp xã hội: Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường; Thông báo thay đổi nội dung cam kết và Thông báo chấm dứt cam kết.
  • Kê khai các thành viên hộ gia đình tham gia thành lập hộ kinh doanh ngay tại Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh và bãi bỏ biểu mẫu Danh sách cá nhân góp vốn thành lập hộ kinh doanh do Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định chủ thể đăng ký hộ kinh doanh chỉ bao gồm cá nhân và các thành viên hộ gia đình, không bao gồm nhóm cá nhân. Bổ sung thay biểu mẫu thông báo thay đổi chủ hộ kinh doanh. Thay thể biểu mẫu thông báo tạm ngừng kinh doanh bằng biểu mẫu thông báo tạm ngừng kinh doanh /tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo của hộ kinh doanh.

Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT đã bổ sung 02 biểu mẫu dùng cho các cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu được cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp hoặc đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đó là: Giấy đề nghị cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp và Giấy đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

7. Quy định xử phạt VPHC trong hoạt động nuôi chim yến

Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi chính thức có hiệu lực từ ngày 20/4/2021.

Theo đó, phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định về hoạt động nuôi chim yến sau:

– Sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn tối đa cho phép theo quy định;

– Phát âm thanh để dẫn dụ chim yến ngoài khoảng thời gian quy định.
Người vi phạm phải thực hiện biện pháp giảm tiếng ồn theo quy định đối với hành vi vi phạm.

Ngoài ra, quy định phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học./.

Xem đầy đủ BAN-TIN-PHAP-LUAT-CONG-TY-LUAT-CILAF-04_2021